Lượt xem: 753

Phát huy vai trò của cán bộ luân chuyển ở cơ sở

Luân chuyển cán bộ là một trong những chủ trương quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, Châu Thành với đặc thù là một huyện mới được chia tách vào năm 2009, nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ tại cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy đã mạnh dạn đưa những cán bộ trẻ, nhiệt huyết, năng nỗ có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực chính trị giữ vị trí chủ chốt tại các địa phương... Việc luân chuyển này đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng đồng chí, giúp nhiều cán bộ trẻ từ huyện về xã có bước trưởng thành, thông qua sự rèn luyện, thử thách ở cơ sở, cùng với địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; lãnh đạo phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều địa phương.

 


Phát triển đa dạng các loại rau màu

 

    Đồng chí Ông Vĩnh Hưng - Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành cho biết: “Luân chuyển cán bộ là việc làm thường xuyên. Sau mỗi nhiệm kỳ Đại hội, Ban Tổ chức Huyện ủy sẽ có kế hoạch cho cả nhiệm kỳ, vừa tăng cường lực lượng cho cán bộ ở cơ sở vừa rèn luyện cho cán bộ. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã luân chuyển 09 đồng chí; trong đó, từ huyện về xã là 08 đồng chí, phần lớn là cán bộ trẻ”.

    Được luân chuyển từ vị trí Phó Bí thư Huyện đoàn Châu Thành về xã An Ninh và giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, rồi Bí thư Đảng ủy xã, kiêm Chủ tịch HĐND xã, đồng chí Trần Quốc Phong đến nay đã có 09 năm gắn bó với cơ sở. Mang trong mình lòng nhiệt huyết, năng nổ của cán bộ Đoàn khi tuổi đời lúc ấy mới tròn 32, ngay từ khi về địa phương, đồng chí Phong đã bắt tay vào việc tìm hiểu địa bàn. Với suy nghĩ “có gần dân – sát cơ sở mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mới tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân”, vì thế những năm qua, đồng chí đã tăng cường các hoạt động đi cơ sở, xuống từng địa bàn ấp để nắm tình hình đời sống, lao động sản xuất của bà con. Xác định đời sống kinh tế người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, trong đó, sản xuất nông nghiệp chủ yếu làm theo cách truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao, nên việc quy hoạch vùng sản xuất để có những hướng chuyển đổi phù hợp được đồng chí Phong bàn bạc thống nhất trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Từ đó, tạo sự đồng thuận và quyết tâm để có kế hoạch trong vận động, định hướng bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

    Từ một xã vùng nông thôn còn khó khăn, cây lúa đóng vai trò chủ lực, nay xã An Ninh đã chuyển mình từng bước xây dựng cánh đồng sản xuất tập trung gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm ở 5/9 ấp, với diện tích bao tiêu hơn 700 ha. Với sự phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách một địa bàn ấp, tích cực vận động bà con cải tạo vườn tạp kém hiệu quả trồng các loại cây ăn trái, tận dụng đất rẫy, đất trống, đưa màu xuống chân ruộng. Nay xã An Ninh đã phát triển đa dạng các loại rau màu, cây ăn trái; diện tích chuyển đổi đến nay đã hơn 450 ha; trong đó, đã hình thành được vùng trồng màu tại các ấp: Hòa Quới, Phú Ninh hình thành vùng lúa hữu cơ diện tích hơn 400 ha ở ấp Kinh Mới, Chông Nô… Toàn xã hiện đã có 01 hợp tác xã và 12 tổ hợp tác ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, như: Lúa, cây ăn trái, rau màu và chăn nuôi bò sữa; tăng gấp đôi về số lượng cũng như lĩnh vực canh tác. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đã đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.

    Đồng chí Trần Quốc Phong - Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã An Ninh cho biết: “Khi về cơ sở đến nay, bản thân đã học hỏi được nhiều, trước hết là phải gần dân, đi cơ sở để nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư của người dân… Đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới (NTM), chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bản thân đã trao đổi trong tập thể, làm sao chuyển đổi mô hình lúa đặc sản, cao sản. Đến nay, lúa năng suất nâng lên 6,2 tấn. Mở rộng mô hình lúa đặc sản, cao sản, màu”.

    Ngoài tập trung phát triển kinh tế, những năm qua, với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Trần Quốc Phong đã có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM tại địa phương. Với phương châm “xây dựng NTM phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Vì vậy, cùng với chuyển dịch, da dạng hóa cây trồng, vật nuôi, xã đã lồng ghép trong thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi để tạo bước đệm cho sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2015-2020, xã đã huy động hơn 70 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cao hơn 60% so với giai đoạn trước. Với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ và sự hưởng ứng tích cực từ người dân, xã An Ninh đã đạt chuẩn NTM vào năm 2019. Tức là sau 5 năm người cán bộ trẻ về nhận nhiệm vụ tại địa phương, đến nay, bộ mặt xã nông thôn mới đã có nhiều khởi sắc. Từ xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, nay đã giảm còn dưới 2%, hộ cận nghèo dưới 8%. Đời sống được ổn định, các vấn đề về an ninh, trật tự cũng từng bước được đảm bảo. Đây là dấu ấn thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người cán bộ Đoàn năm nào về địa phương cùng với Đảng bộ, chính quyền thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

    Cũng được luân chuyển từ vị trí Bí thư Huyện đoàn Châu Thành về tham gia Ban Chấp hành và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân từ năm 2019, khi mới 33 tuổi đời. Măc dù, còn khá trẻ so với mặt bằng chung trong toàn Đảng bộ, nhưng đồng chí Dương Thị Trang cũng đã tạo được những nét riêng trong công tác lãnh đạo, điều hành tổ chức Đảng tại cơ sở. Nhận định việc luân chuyển về cơ sở là môi trường rèn luyện, thử thách cho bản thân nên những năm qua, đồng chí Trang đã có sự nỗ lực, cố gắng, phát huy vai trò, trách nhiệm, tiếp cận nhanh công việc và địa bàn, linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý công việc, nhất là trong giao tiếp với những đồng chí đảng viên lớn tuổi tại địa phương. Những năm qua, đồng chí đã cùng tập thể cấp ủy cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương; trong đó, ngoài tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất thì công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được đồng chí xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.

    Nói về suy nghĩ của bản thân khi về cơ sở, đồng chí Dương Thị Trang cho biết: “Mục tiêu khi về cơ sở là làm sao cho mình có bước trưởng thành về mặt tư tưởng, nhận thức và hành động. Bản thân cũng đúc kết được vai trò lãnh đạo, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi việc đều thông qua Ban Chấp hành và có sự đồng thuận của tập thể”.

    Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng gắn với triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại đơn vị được đồng chí Trang triển khai hiệu quả, tạo điểm nhấn riêng là mô hình sinh hoạt chuyên đề “30 phút để nhớ và hành động”. Với hình thức mỗi tháng 1 kỳ sinh hoạt vào thứ Hai tuần đầu tiên của tháng, buổi sinh hoạt sẽ gồm tất cả các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã, bí thư các chi bộ trực thuộc, trưởng, phó các đoàn thể chính trị, cán bộ, công chức xã. Thông qua việc tổ chức xem tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác; đồng thời, lồng ghép sinh hoạt nội dung đăng ký trong triển khai học tập và làm theo Bác gắn với từng ngành, từng đoàn thể và từng chi bộ. Từ đó, đưa kết quả thực hiện mô hình vào đánh giá, xếp loại chi bộ hàng năm. Qua các kỳ sinh hoạt, đến nay đã có 8/20 mô hình do chính quyền, các ngành, đoàn thể và các chi bộ trực thuộc báo cáo gắn với nhiệm vụ được giao. Nổi bật như mô hình: “Nét đẹp công sở và phong cách tiếp dân của Khối chính quyền”; mô hình “Phát huy tinh thần tương thân tương ái trong công tác vận động xã hội hóa giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phú Tân” của Mặt trận Tổ quốc; mô hình “Nông dân Phú Tân tăng gia sản xuất gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên đồng ruộng góp phần xây dựng nông thôn mới”…

    Qua các buổi sinh hoạt, đã góp phần quan trọng trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy chi bộ, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt, đánh giá thực trạng đảng viên, tạo môi trường để đảng viên được trau dồi bản lĩnh chính trị, mạnh dạn hơn trong phát biểu và đóng góp ý kiến, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Nhất là phát huy được tinh thần đoàn kết nội bộ, chấn chỉnh tâm lý làm việc thờ ơ, đi trễ về sớm của một bộ phận cán bộ, đảng viên.


Mô hình lúa hữu cơ xã Hồ Đắc Kiện

 

    Luân chuyển vừa tạo môi trường rèn luyện cho cán bộ, vừa tăng cường nguồn lực chất lượng cho các địa bàn còn khó khăn của huyện. Đây là một trong những việc làm thường xuyên của Đảng bộ huyện Châu Thành trong những năm qua, nhằm tạo khâu đột phá trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Việc luân chuyển được thực hiện đảm bảo theo đúng quy trình, quy định, nhất là Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về “Luân chuyển cán bộ”, gần đây nhất là Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28/4/2022 thay thế cho Quy định số 98 trước đó. Cán bộ được luân chuyển từ huyện về xã giữ chức vụ người đứng đầu cũng được Huyện ủy tổ chức đánh giá và giám sát thường xuyên, nhằm kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh những biểu hiện cá nhân, suy thoái.

    Nói về công tác này, đồng chí Ông Vĩnh Hưng - Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành cho biết thêm: “Cán bộ từ huyện về xã hàng năm đều có nhận xét, đánh giá. Về quá trình thực hiện nhiệm vụ, tinh thần đoàn kết, đạo đức, lối sống; nhất là về vấn đề nêu gương, do các đồng chí là đứng đầu ở cơ sở. Đồng chí Thường vụ phụ trách xã cũng xem xét, đánh giá và giám sát đối với đồng chí được luân chuyển về cơ sở, để kịp thời phát hiện những dấu hiệu cá nhân…”.

    Xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”; trong công tác cán bộ thì luân chuyển có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Thực tế tại Đảng bộ huyện Châu Thành, đa số cán bộ được luân chuyển về cơ sở đều có sự nỗ lực, quyết tâm cao, phát huy được vai trò, bản lĩnh chính trị, sự linh hoạt, năng động trong tiếp cận, lãnh đạo, điều hành, tạo được sự đồng thuận cao, tinh thần đoàn kết nội bộ. Đây cũng là môi trường để các cán bộ được rèn luyện, phấn đấu, có kinh nghiệm thực tiễn. Thông qua sự rèn luyện, thử thách ở từng vị trí, đội ngũ cán bộ đã từng bước trưởng thành, có nhiều tiến bộ trong nhận thức, quan điểm, phương pháp chỉ đạo, năng lực, sở trường được phát huy, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết tại các địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Ánh Phúc



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 1562
  • Trong tuần: 68,882
  • Tất cả: 11,853,071